Dạy nghề nông thôn- một chương trình thiết thực góp phần xóa đói giảm nghèo
Thứ tư - 16/06/2010 15:002.1330
Thực hiện chương trình công tác Hội và phong trào phụ nữ huyện năm 2010, nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần xóa đói giảm nghèo ở địa phương, bên cạnh phối hợp tốt với Ngân hàng chính sách-xã hội huyện trong hoạt động cho vay ủy thác các nguồn vốn đối với chị em phụ nữ, ngày 04/6/2010 vừa qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã phối hợp với Trung tâm dịch vụ việc làm Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Bình Phước tổ chức khai giảng hai lớp Quản lý, chăm sóc, khai thác cao su tại hai xã Lộc Thịnh và Lộc Thiện
Hai lớp học này đã thu hút hơn 60 học viên là hội viên, phụ nữ, chồng và con em của các chị tham gia. Đây là những lớp học có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp chị em phụ nữ tiếp cận với việc làm mới: biết cách quản lý, chăm sóc, khai thác cao su đúng quy trình, đúng kỹ thuật để đảm bảo đạt hiệu quả cao nhất. Trong quá trình phối hợp tổ chức nhiều lớp dạy nghề miễn phí cho lao động nông thôn những năm qua, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ huyện thấy rằng lớp quản lý, chăm sóc, khai thác cao su có khả năng thu hút đông đảo nhất chị em phụ nữ và các tầng lớp nhân dân tham gia vì nó thiết thực, hiệu quả tức thì. Sau khi kết thúc khóa học, chị em đã có thể áp dụng ngay để có thu nhập, cải thiện cuộc sống gia đình, tham gia đóng góp cho xã hội, địa phương. Thực tế cho thấy hiện nay trên địa bàn huyện rất nhiều người dân đã chuyển đổi từ vườn tiêu bị chết, từ các loại cây trồng khác kém hiệu quả, năng suất chuyển sang trồng xen cây cao su nay đã, đang và sẽ cho thu hoạch. Chính vì vậy, lớp dạy nghề này càng có giá trị, ý nghĩa to lớn.
Tiếp xúc với một số chị sau khi đã hoàn thành khóa học, các chị không ngớt bày tỏ niềm vui: “Nhờ có các lớp học như thế này, chúng tôi đã có công ăn, việc làm ổn định, có người được giới thiệu vào làm ở các nông trường của công ty cao su, các trang trại của tư nhân. Nhiều người nhà có vườn thì tự cạo, tự chăm sóc vườn cây của mình, thậm chí là còn biết cách quản lý nhân công của mình, không để họ cạo sai kỹ thuật, ảnh hưởng đến quá trình phát triển, tuổi thọ của cây cao su”.
Qua trao đổi với các đồng chí Bí thư chi bộ, Trưởng Ban điều hành các ấp có mở lớp, các đồng chí rất vui mừng, phấn khởi khi nhân dân trong ấp nói chung, phụ nữ nói riêng được thụ hưởng các chương trình của Nhà nước, được tham gia các lớp học thiết thực, hiệu quả như thế này. Các đồng chí hứa sẽ phối hợp tốt trong tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ và nhân dân địa phương duy trì lớp học đảm bảo thời gian, sĩ số để lớp học đạt kết quả tốt nhất.
Đây cũng là lớp dạy nghề nông thôn thứ 10 mà Hội Liên hiệp phụ nữ huyện phối hợp tổ chức trong 6 tháng đầu năm 2010 (8 lớp Quản lý, chăm sóc, khai thác cao su và 02 lớp Thú y). Các lớp học này đã thu hút 298 học viên tham gia (trong đó có 156 phụ nữ, 92 học viên người dân tộc thiểu số, 34 học viên tôn giáo). Từ đầu năm đến nay, Hội đã giới thiệu 214 chị hội viên, phụ nữ và con em đi làm ở các nông trường, trang trại cao su.
Trong 6 tháng cuối năm 2010, các cấp Hội trong huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động để mở thêm nhiều lớp dạy nghề nông thôn nữa để đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho chị em phụ nữ. Đó cũng là giải pháp thiết thực nhằm thực hiện thắng lợi phong trào thi đua ”Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” và 6 nhiệm vụ trọng tâm do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam đề ra, đồng thời cũng góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ VIII đề ra./.