Nội dung: Tháng 4/2023, một số chính sách mới về công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội và nhiều quy định mới có hiệu lực thi hành.
Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật huyện xây dựng Đề cương sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tháng 4 năm 2023 gồm những chính sách pháp luật đáng chú ý mà cán bộ, công chức, viên chức, lao động và người dân cần biết. Cụ thể như sau:
I. Chính sách mới về công chức, viên chức, bảo hiểm xã hội
Theo tinh thần của Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), Luật sửa đổi, bổ sung Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức của Quốc hội đã có quy định về việc thực hiện kiểm định chất lượng đầu vào công chức theo lộ trình của Chính phủ.
1. Thi tuyển công chức, đã đạt kiểm định đầu vào thì không phải thi vòng 1
Nghị định số 06/2023/NĐ-CP ngày 21/02/2023 của Chính phủ quy định về kiểm định chất lượng đầu vào công chức có hiệu lực từ 10/4/2023.
Theo đó, việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức áp dụng đối với người đăng ký tuyển dụng vào công chức thông qua hình thức thi tuyển.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức là hoạt động đánh giá, công nhận kiến thức nền tảng cần thiết đối với thí sinh trước khi tham gia tuyển dụng công chức tại cơ quan có thẩm quyền.
Việc kiểm định chất lượng đầu vào công chức được tổ chức định kỳ 02 lần vào tháng 7 và tháng 11 hàng năm.
Hình thức kiểm định là thi trắc nghiệm trên máy vi tính. Nội dung kiểm định gồm: hiểu biết chung về hệ thống chính trị, tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, quản lý hành chính Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công chức; kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử, đạo đức công vụ, … và đánh giá năng lực tư duy, năng lực ứng dụng kiến thức vào thực tiễn.
Người dự tuyển trả lời đúng từ 50% số câu hỏi trở lên được xác định là đạt yêu cầu kiểm định chất lượng đầu vào. Kết quả kiểm định chất lượng đầu vào công chức có giá trị sử dụng trong thời hạn 24 tháng, kể từ ngày có quyết định phê duyệt của Bộ Nội vụ.
Việc tổ chức thi vòng 1 trong thi tuyển công chức tiếp tục được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 138/2020/NĐ-CP đến hết ngày 31/7/2024. Trong thời gian này, người đạt kết quả kiểm định chất lượng đầu vào theo quy định tại Nghị định này khi tham gia thi tuyển công chức không phải thực hiện thi vòng 1 theo quy định tại khoản 1 Điều 8 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 14 Nghị định số 138/2020/NĐ-CP.
Kể từ ngày 01/8/2024, cơ quan tuyển dụng công chức chỉ tuyển dụng công chức đối với người đạt kết quả kiểm định.
2. Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập
Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 03/2023/TT-BYT ngày 17/02/2023 về Hướng dẫn vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 05/4/2023.
Theo đó, hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trong đơn vị sự nghiệp y tế công lập thuộc các Bộ, ngành và địa phương.
Đối tượng áp dụng: Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm Y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương; Trung tâm cấp cứu 115; Cơ sở kiểm nghiệm, kiểm định dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm; Cơ sở pháp y, pháp y tâm thần, giám định y khoa; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Không áp dụng đối với: Các đơn vị nghiên cứu lĩnh vực y tế và các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng thuộc Bộ, ngành khác; Trong việc giám định, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Các cơ sở y tế thuộc Bộ, ngành khác và cơ sở y tế ngoài công lập có thể căn cứ hướng dẫn tại Thông tư để áp dụng thực hiện cho phù hợp với thực tiễn.
3. Bổ sung bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội
Thông tư số 02/2023/TT-BYT ngày 09/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2016/TT-BYT ngày 15/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 01/4/2023.
Theo đó đã bổ sung “bệnh COVID-19 nghề nghiệp” vào danh mục bệnh nghề nghiệp được hưởng bảo hiểm xã hội. Bệnh Covid-19 nghề nghiệp là bệnh phát sinh trong quá trình lao động do người lao động phải tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 có trong môi trường lao động.
Yếu tố gây bệnh là do tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 trong môi trường lao động và yếu tố gây bệnh phải được ghi nhận tại một trong các văn bản gồm: Biên bản xác định tiếp xúc nghề nghiệp với vi rút SARS-CoV-2; văn bản cử tham gia phòng chống dịch, phục vụ, cứu trợ người nhiễm vi rút SARS-CoV-2 do lãnh đạo đơn vị ký xác nhận, đóng dấu và các văn bản khác phù hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp; đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp quy định tại Nghị định số 44/2016 của Chính phủ; biên bản xác nhận tiếp xúc với yếu tố có hại gây bệnh nghề nghiệp cấp tính theo Thông tư số 28/2016/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp.
Đối với những người làm nghề, công việc thường gặp và nguồn tiếp xúc với vi rút SARS-CoV-2 được chẩn đoán xác định mắc bệnh COVID-19 do tiếp xúc trong quá trình lao động trong thời gian từ 01/02/2020 đến trước 01/4/2023 thì được lập hồ sơ bệnh nghề nghiệp để khám giám định và được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp theo các quy định hiện hành.
4. Xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa
Thông tư số 02/2023/TT-BVHTTDL ngày 21/02/2023 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa sẽ có hiệu lực từ ngày 10/4/2023.
- Các chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này được áp dụng Bảng 3 (Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đối đối các chức danh nghề nghiệp: tuyên truyền viên văn hóa chính; truyền viên văn hóa và tuyên truyền viên văn hóa trung cấp.
- Sau khi hết thời gian tập sự theo quy định và được cấp có thẩm quyền quản lý viên chức quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp viên chức tuyên truyền viên văn hóa thì thực hiện xếp bậc lương theo chức danh nghề nghiệp được bổ nhiệm như sau:
+ Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa trung cấp khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng trong các trường hợp: trung cấp; cao đẳng trở lên.
+ Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa khi tuyển dụng viên chức có trình độ đào tạo, phù hợp với vị trí việc làm tuyển dụng trong các trường hợp: đại học; thạc sỹ; tiến sỹ.
Việc chuyển xếp lương đối với viên chức từ chức danh nghề nghiệp hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp tuyên truyền viên văn hóa quy định tại Thông tư này thực hiện theo hướng dẫn tại Mục II Thông tư số 02/2007/TTBNV ngày 25/5/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức.
II. Một số chính sách nổi bật khác có hiệu lực từ tháng 4/2023
1. Cơ cấu tổ chức của Ủy ban cạnh tranh quốc gia
Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2023/NĐ-CP ngày 10/02/2023 về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2023. Cụ thể, cơ cấu tổ chức của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia được quy định như sau:
- Bộ máy giúp việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh, kiểm soát tập trung kinh tế, quyết định việc miễn trừ đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm, giải quyết khiếu nại quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh theo quy định của pháp luật của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia:
+ Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh;
+ Ban Thư ký các Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh;
+ Ban Giám sát cạnh tranh.
- Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh được thành lập phòng. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định số lượng phòng trực thuộc Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định của pháp luật.
- Một số đơn vị trực thuộc Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cạnh tranh, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Công Thương.
2. Bổ sung quy định bảo lãnh ngân hàng điện tử
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 11/2022/TT-NHNN ngày 30/9/2022 Quy định về bảo lãnh ngân hàng, có hiệu lực từ ngày 01/4/2023. Theo đó, quy định về hoạt động bảo lãnh ngân hàng điện tử như sau:
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng được lựa chọn thực hiện hoạt động bảo lãnh ngân hàng qua việc sử dụng các phương tiện điện tử (sau đây gọi là hoạt động bảo lãnh điện tử).
Việc thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử phải đảm bảo an ninh, an toàn, bảo vệ thông điệp dữ liệu và bảo mật thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về phòng chống rửa tiền, giao dịch điện tử, hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về quản lý rủi ro trong hoạt động ngân hàng điện tử và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tự quyết định biện pháp, hình thức, công nghệ thực hiện hoạt động bảo lãnh điện tử đối với toàn bộ hoặc từng khâu trong quy trình bảo lãnh, tự chịu rủi ro phát sinh (nếu có) và phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu sau:
+ Có giải pháp, công nghệ kỹ thuật đảm bảo tính chính xác, bảo mật, an toàn trong quá trình thu thập, sử dụng, kiểm tra thông tin, dữ liệu;
+ Có biện pháp kiểm tra, đối chiếu, cập nhật, xác minh thông tin, dữ liệu; có biện pháp ngăn chặn các hành vi giả mạo, can thiệp, chỉnh sửa làm sai lệch thông tin, dữ liệu;
+ Có biện pháp đánh giá, quản lý, kiểm soát rủi ro; phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ phận, cá nhân có liên quan trong hoạt động bảo lãnh điện tử và trong việc quản lý, giám sát rủi ro.
3. Quy định mới về điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng
Thông tư số 02/2023/TT-BXD ngày 03/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng hướng dẫn một số nội dung về hợp đồng xây dựng có hiệu lực từ ngày 20/4/2023. Theo đó, Thông tư quy định việc điều chỉnh đơn giá và giá hợp đồng xây dựng. Việc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 14 Điều 1 Nghị định số 50/2021/NĐ-CP của Chính phủ.
Điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng
Khi điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng dẫn đến phải điều chỉnh, bổ sung hợp đồng thì phải ký kết phụ lục hợp đồng làm cơ sở điều chỉnh giá hợp đồng. Chủ đầu tư có trách nhiệm phê duyệt hoặc trình phê duyệt dự toán điều chỉnh, phát sinh theo đúng các quy định của pháp luật về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và hợp đồng xây dựng làm cơ sở ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng.
Phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng xây dựng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục I kèm theo Thông tư này. Việc áp dụng các phương pháp điều chỉnh giá phải phù hợp với tính chất công việc, loại giá hợp đồng, đồng tiền thanh toán và phải được thỏa thuận trong hợp đồng.
Đối với hợp đồng tư vấn xây dựng thực hiện thanh toán theo thời gian (theo tháng, tuần, ngày, giờ) thì việc điều chỉnh mức tiền lương cho chuyên gia thực hiện theo công thức điều chỉnh cho một yếu tố chi phí nhân công tại mục I Phụ lục I kèm theo Thông tư này.
Điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng
Thông tư cũng quy định việc điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng thực hiện theo quy định tại Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
Khi điều chỉnh tiến độ hợp đồng xây dựng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP, Bên giao thầu và Bên nhận thầu có trách nhiệm đánh giá tác động của các sự kiện bất khả kháng đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng để xác định, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
Trường hợp tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 39 Nghị định số 37/2015/NĐ-CP cần thực hiện các công việc sau:
- Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ yêu cầu tạm dừng của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đánh giá tác động đến tiến độ thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận điều chỉnh tiến độ thực hiện hợp đồng.
- Trường hợp phát sinh chi phí do kéo dài thời gian thực hiện hợp đồng thì Bên giao thầu, Bên nhận thầu căn cứ nội dung hợp đồng, hướng dẫn của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sự kiện dẫn đến tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng làm cơ sở xác định, thỏa thuận về các khoản mục chi phí phát sinh hợp lý.
4. Quy định mới về đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập
Thông tư số 06/2023/TT-BYT ngày 12/3/2023 của Bộ trưởng Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 15/2019/TT-BYT quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập sẽ có hiệu lực từ ngày 27/4/2023.
Theo đó, Thông tư số 06/2023/TT-BYT sửa đổi khoản 2 Điều 8 về gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị. Gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị có thể có một hoặc nhiều thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc hoặc sinh phẩm tham chiếu, mỗi thuốc là một phần của gói thầu. Các thuốc tại gói thầu thuốc biệt dược gốc hoặc tương đương điều trị đáp ứng đồng thời 02 tiêu chí sau:
- Thuộc danh mục thuốc biệt dược gốc, thuốc tương đương điều trị với thuốc biệt dược gốc và sinh phẩm tham chiếu do Bộ Y tế công bố, trừ thuốc biệt dược gốc thuộc Danh mục thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành và đã được công bố kết quả đàm phán giá.
- Được sản xuất toàn bộ tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất một, một số công đoạn tại Việt Nam và các công đoạn còn lại được sản xuất tại các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA; hoặc được sản xuất toàn bộ công đoạn tại Việt Nam; hoặc được cơ quan quản lý dược các nước thuộc danh sách SRA hoặc EMA cấp phép lưu hành.
Bên cạnh đó, Thông tư số 06/2023/TT-BYT cũng sửa đổi điểm c khoản 4 Điều 14 về nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, khi lập kế hoạch chọn nhà thầu, đơn vị tham khảo một trong các thông tin tài liệu sau đây để làm cơ sở xây dựng đơn giá của từng thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền:
- Giá thuốc, dược liệu, vị thuốc cổ truyền trúng thầu theo nhóm tiêu chí kỹ thuật của các cơ sở y tế hoặc trúng thầu tập trung cấp địa phương trong vòng 12 tháng trước hoặc trúng thầu tập trung cấp Quốc gia, đàm phán giá còn hiệu lực của thỏa thuận khung được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền).
Trường hợp chưa được công bố trên trang Thông tin điện tử của Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược, Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền) thì căn cứ quyết định trúng thầu hoặc thông báo trúng thầu hoặc thông tin công khai theo quy định tại khoản 6 Điều 20 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu.
- Báo giá hoặc hóa đơn bán hàng, cụ thể như sau:
+ Đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, vaccine, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền: tham khảo 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp thuốc không đủ 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 01 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình, chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất và bảo đảm không vượt giá bán buôn kê khai, kê khai lại còn hiệu lực của thuốc đã tham khảo;
+ Đối với dược liệu và vị thuốc cổ truyền: tham khảo 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp dược liệu và vị thuốc cổ truyền không đủ 03 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của các nhà cung cấp khác nhau, Thủ trưởng đơn vị căn cứ vào ít nhất 01 báo giá hoặc hóa đơn bán hàng của nhà cung cấp tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu, giải trình và chịu trách nhiệm về giá kế hoạch đề xuất là phù hợp với giá dược liệu, vị thuốc cổ truyền trên thị trường tại thời điểm lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
5. Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên
Thông tư số 01/2023/TT-TANDTC ngày 09/3/2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án sẽ có hiệu lực từ ngày 25/4/2023.
Theo đó, quy định chi tiết về điều kiện bổ nhiệm Hòa giải viên theo quy định tại Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Về xác định chuyên gia, nhà chuyên môn khác quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, tại Điều 3 nêu rõ: Chuyên gia, nhà chuyên môn khác là người được đào tạo chuyên sâu, có kỹ năng thực hành công việc, có kinh nghiệm thực tiễn, lý luận chuyên sâu về một lĩnh vực cụ thể.
Ví dụ: chuyên gia tâm lý học, chuyên gia tài chính, chuyên gia sở hữu trí tuệ...
Bên cạnh đó, Thông tư cũng quy định, xác định người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư quy định tại điểm a khoản 1 Điều 10 của Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau: “Người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư là người hiểu biết về văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, dân tộc; có mối liên hệ chặt chẽ và có ảnh hưởng trong dòng họ, dân tộc và cộng đồng dân cư; có khả năng quy tụ, tập hợp đồng bào trong phạm vi nhất định, được người dân trong cộng đồng tín nhiệm, tin tưởng, nghe và làm theo”.
Ví dụ: Già làng, trưởng bản, ... tại khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số người có uy tín, có hiểu biết phong tục tập quán trong cộng đồng dân cư.
Nguồn: Sưu tầm và biên tập từ:
1. Trang website Xây dựng chính sách, pháp luật thuộc Cổng thông tin điện tử Chính phủ:
//xaydungchinhsach.chinhphu.vn/chinh-sach-moi-ve-huong-dan-vi-tri-viec-lam-xep-luong-dau-thau-co-hieu-luc-tu-thang-4-2023-11923032608204023.htm#:~:text=(Chinhphu.vn)%20%2D%20T%E1%BB%AB,th%E1%BA%A7u%20thu%E1%BB%91c%20c%C3%B3%20hi%E1%BB%87u%20l%E1%BB%B1c.
2. Trang website Báo điện tử Pháp Luật thành phố Hồ Chí Minh:
//plo.vn/chinh-sach-moi-co-hieu-luc-tu-thang-4-2023-post726249.html.
3. Trang website Thư viện pháp luật - Công ty Thư viện pháp luật:
//thuvienphapluat.vn/chinh-sach-phap-luat-moi/vn/thoi-su-phap-luat/chinh-sach-moi/47440/chinh-sach-thuong-mai-dau-thau-tien-te-ngan-hang-co-hieu-luc-thang-4-2023
Trên đây là nội dung Đề cương sinh hoạt “Ngày Pháp luật” tháng 4 năm 2023 của Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật huyện./.