Lộc Ninh (Bình Phước): Đoàn kết, năng động, khai thác tiềm năng, tiếp tục phát triển
Thứ hai - 06/09/2010 09:102.9340
(ĐCSVN) - Đảng bộ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vừa tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ IX. Nhiệm kỳ vừa qua, Đảng bộ huyện Lộc Ninh tiếp tục khẳng định bằng những thành tựu đã đạt được, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của những năm tiếp theo một cách bền vững.
Nhiệm kỳ qua, Lộc Ninh đã hoàn thành nhiều mục tiêu kinh tế đề ra: Tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 13,5%; GDP năm 2010 ước đạt 1.040 tỷ đồng (giá so sánh năm 1994), giá thực tế ước khoảng 1.785 tỷ đồng, tăng 213,75% so với đầu nhiệm kỳ, Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn chậm; cơ cấu kinh tế đầu nhiệm kỳ là: Nông, lâm nghiệp 71,79%; công nghiệp, xây dựng 13,98%; thương mại, dịch vụ 14,23%. Cơ cấu tương ứng năm 2010 là: 70,85% -14,23% -14,92%. GDP bình quân đầu người đạt 9.330.000 đồng (giá so sánh năm 1994), tăng 2,14 lần so với năm 2005, giá thực tế là 17.500.000 đồng.
Hiện tại Lộc Ninh có nhiều thuận lợi cũng như không ít khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội: Thuận lợi của Lộc Ninh là huyện có thế mạnh về phát triển nông nghiệp với các loại cây công nghiệp như: cao su, hồ tiêu, điều; có tiềm năng về phát triển kinh tế du lịch, kinh tế cửa khẩu; mặt khác những thành tựu của huyện sau 5 năm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ giai đoạn 2006-2010 là tiền đề quan trọng, tạo niềm tin và sự phấn khởi trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân. Bên cạnh những thuận lợi trên, Đảng bộ còn luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự hỗ trợ giúp đỡ của các ngành trong tỉnh cùng với truyền thống đoàn kết, năng động, vượt khó của Đảng bộ, quân và dân Lộc Ninh. Đó là những điều kiện quan trọng để Lộc Ninh tiếp tục phát triển đi lên trong thời kỳ mới.
Tuy nhiên, với đặc thù của một huyện miền núi, biên giới, những năm tới, Lộc Ninh sẽ còn gặp nhiều khó khăn thử thách to lớn; tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch rất có thể sẽ lợi dụng địa bàn biên giới, vấn đề dân tộc, tôn giáo v.v… để thực hiện âm mưu chống phá. Trong khi đó, sản xuất vẫn chủ yếu là nông nghiệp, chịu ảnh hưởng nhiều từ tác động của quy luật kinh tế thị trường. Mặt khác, sản xuất công nghiệp và dịch vụ phát triển chậm, kêu gọi đầu tư khó khăn; Nguồn lực đầu tư của trên còn ít, nguồn thu của địa phương hạn hẹp; trong khi đó nhu cầu đầu tư củng cố và phát triển cơ sở hạ tầng rất lớn; công tác xây dựng hệ thống chính trị, nhất là đội ngũ cán bộ công chức ở cơ sở còn nhiều mặt chưa đáp ứng được yêu cầu trong thời kỳ mới.
Để đưa Lộc Ninh phát triển nhanh và bền vững, Đại hội đã đề ra chỉ tiêu, nhiệm vụ cụ thể cho nhiệm kỳ mới: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) bình quân hàng năm tăng từ 13,5% trở lên. Đến năm 2015, tổng GDP đạt 2.050 tỷ đồng (giá so sánh 1994), tăng 1,96 lần so với năm 2010 ước khoảng 3.960 tỷ đồng (giá thực tế). Tổng thu ngân sách địa phương đạt trên 300 tỷ đồng, bình quân hàng năm tăng khoảng 12%. Đến năm 2015, GDP bình quân đầu người đạt 17.500.000 đồng (giá so sánh 1994), giá thực tế 33.000.000đ. Cơ cấu kinh tế: tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 65%; Công nghiệp, xây dựng chiếm 17%; thương mại, dịch vụ chiếm 18%; Giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8% trong đó tỷ lệ này đối với đồng bào dân tộc thiểu số là dưới 11% (theo tiêu chí mới); Hoàn thiện mạng lưới trường lớp ở các cấp học theo quy hoạch phát triển giáo dục - đào tạo; Phấn đấu đến năm 2015 không còn phòng học tạm, 100% xã thị trấn có trường mẫu giáo, trường tiểu học, trung học cơ sở, xây dựng 3 - 5 trường đạt chuẩn quốc gia; đội ngũ giáo viên đạt chuẩn 100%, các trường học đều có chi bộ hoặc tổ đảng; Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35% trở lên, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; Tiếp tục đầu tư xây dựng đến năm 2011, có 100% trạm y tế đạt chuẩn, năm 2015, có 80 - 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Hàng năm có 95% trở lên hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; 100% ấp có khu sinh hoạt cộng đồng; Thực hiện tốt chính sách đối với người có công và gia đình chính sách;. Tăng cường củng cố xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc; Xây dựng lực lượng quân sự, công an từ huyện đến cơ sở đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, thực sự trong sạch vững mạnh; Xây dựng, giữ vững biên giới, hoà bình, hữu nghị; Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan nội chính, tư pháp, tiếp tục thực hiện cải cách tư pháp, giải quyết có hiệu quả mọi khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đồng chí Nguyễn Tiến Cường, Ủy viên Thường vụ Huyện ủy cho biết: để thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, nhiệm vụ do Đại hội đề ra, huyện cần tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng; Thực hiện việc chuẩn hóa cán bộ từ huyện đến cơ sở; Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong Đảng và cả hệ thống chính trị; Xây dựng bộ máy chính quyền từ huyện đến cơ sở trong sạch, vững mạnh; Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện pháp lệnh dân chủ ở cơ sở chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu; Phát huy tốt sức mạnh đoàn kết của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, tạo nguồn lực cho sự phát triển./.