Hiệu quả thiết thực từ mô hình chăn nuôi bò sinh sản ở xã Lộc Hưng
Được sự quan tâm của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước bằng Quyết định số 1392/QĐ-UBND ngày 20/5/2009 và Hợp đồng trách nhiệm số 01/2009/HĐTN ngày 29/5/2009 giữa Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh và Hội Nông dân tỉnh, Lộc Ninh là một trong hai huyện được thụ hưởng dự án mô hình điểm giảm nghèo chăn nuôi bò sinh sản, trong đó Lộc Hưng là xã được tỉnh, huyện xét chọn làm điểm triển khai thực hiện
Qua ba năm thực hiện mô hình, sáng ngày 25/9/2012 vừa qua, Sở Lao động –Thương binh và Xã hội tỉnh, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với phòng Lao động –Thương binh và Xã hội, Hội Nôi dân huyện và xã Lộc Hưng đã tổ chức hội nghị tổng kết mô hình. Các đại biểu rất vui mừng, phấn khởi khi về tham dự hội nghị, đặc biệt là các hộ hội viên nông dân trực tiếp tham gia thực hiện dự án.
Qua báo cáo tổng kết của Hội Nông dân xã, ý kiến đóng góp, thảo luận của các thành viên tham gia dự án, ý kiến phát biểu của cấp ủy, chính quyền địa phương và quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện mô hình của Sở và Hội cấp trên cho thấy mô hình chăn nuôi bò sinh sản tại xã Lộc Hưng thật sự là mô hình đạt hiệu quả cao. Có 10 hội viên nông dân thuộc diện hộ nghèo trong xã được xét đủ điều kiện để tham gia dự án. Với nguồn kinh phí của dự án hai trăm triệu đồng, các hộ bổ sung vốn đối ứng năm mươi lăm triệu đồng nữa để mua được hai mươi ba con bò. Khác với các dự án khác, người tham gia dự án được cấp cây, con giống thì ở đây các hộ tự chọn bò cho mình. Số bò này đều khỏe mạnh, được Sở Lao động –Thương binh và Xã hội, Hội Nông dân và các ngành của tỉnh nghiệm thu.
Trong quá trình thực hiện dự án, các hộ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cỏ, cách làm chuồng trại, kỹ thuật chọn giống, chăm sóc, phối giống, phòng ngừa dịch bệnh cho bò, cách ghi chép sổ sách tài chính của dự án, đồng thời ký kết hợp đồng với cán bộ thú y xã để theo dõi dịch bệnh trên đàn bò. Nhờ đó, mặc dù bệnh lở mồm, long móng tuy có xảy ra nhưng được cán bộ thú y theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời nên không ảnh hưởng đến sự phát triển của đàn bò.
Quá trình thực hiện dự án có ba hộ vì lý do khách quan đã trả lại nguồn vốn, Hội Nông dân xã đã tiếp nhận và tiếp tục bình xét cho ba hộ khác đúng quy định. Các hộ này cũng tiếp tục sử dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao.
Sau ba năm thực hiện mô hình, đàn bò của các hộ đã lên đến năm mươi lăm con, trong đó có ba mươi lăm bò cái và hai mươi bò đực, có trị giá hơn năm trăm triệu đồng. Hai mươi ba bò cái được các hộ tiếp tục để lại nhân giống và phát triển thêm, số còn lại bán thịt hoặc bán cho hộ khác làm giống để trả lại nguồn vốn cho dự án, qua đó nhân rộng mô hình cho các hộ nghèo khác trong xã. Nhờ thực hiện tốt dự án cộng với quyết tâm, chí thú làm ăn, sự hỗ trợ của những nguồn lực khác và những điều học được trong quá trình thực hiện dự án này, tất cả mười hộ tham gia mô hình qua khảo sát, đánh giá đều thoát nghèo. Trong đó có một số hộ vươn lên khá, có hộ vừa tiếp tục nuôi bò và mở rộng chăn nuôi thêm hơn bốn trăm con vịt. Có hộ sau khi bán bò đã thêm vào để sửa chữa lại nhà cửa, chăm lo cho con em mình học tập. Trường hợp của hộ anh Vi Giao Hải ở ấp 7, người dân tộc Thái là một điển hình. Trước kia gia đình anh thuộc diện hộ nghèo, gia đình có đông con. Nhờ nguồn vốn mười lăm triệu đồng vay từ Ngân hàng Chính sách – Xã hội, anh đã mua một máy gặt, đập lúa, ngoài phục vụ cho gia đình anh còn nhận gặt, đập lúa giúp bà con trong xã, mỗi vụ trừ chi phí anh để dành được từ mười lăm đến hai mươi triệu đồng, anh đã trả được nợ cho ngân hàng. Khi được tham gia dự án nuôi bò này, anh như được tiếp thêm sức mạnh. Giờ đây, không chỉ thoát nghèo, gia đình anh còn xây được ngôi nhà khang trang trị giá trên hai trăm triệu đồng, ngoài ra còn có thêm nguồn thu từ vườn tiêu hơn năm sào và một hecta ruộng lúa. Nếu như trước kia các con lớn của anh không được đi học thì bây giờ gia đình anh đã có thể yên tâm chăm lo cho các cháu nhỏ được đến trường.
Được biết xã Lộc Hưng những năm qua được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư cho nhiều dự án như nuôi gà thả vườn, trồng lúa nước, măng tây xanh và từng dự án cũng đem lại những kết quả nhất định nhưng có thể khẳng định mô hình chăn nuôi bò sinh sản là mô hình hiệu quả nhất từ trước đến nay ở xã nói riêng và huyện Lộc Ninh nói chung. Hiệu quả không chỉ về mặt đầu tư, về kinh tế mà cái quan trọng hơn đó là hiệu quả về mặt nhận thức, về mặt xã hội. Đó là sự quan tâm sâu sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các sở, ngành, đoàn thể; đó là sự nỗ lực vươn lên, chủ động, sáng tạo, biết xây dựng kế hoạch, biết tính toán, cân đối thu chi, tiết kiệm chi tiêu, biết sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, tinh thần và ý thức trách nhiệm của chính những người nông dân khi tham gia vào dự án. Qua dự án đã làm cho hội viên ngày càng tin tưởng vào tổ chức Hội, xem Hội là chỗ dựa tin cậy, vững chắc cho mình, đồng thời góp phần vào việc thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo của địa phương trong giai đoạn 2010 - 2015.
Hội nghị cũng rút ra những bài học kinh nghiệm quý trong quá trình thực hiện: đó là sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo, việc lựa chọn, bình xét đúng, khách quan những người đủ điều kiện tham gia dự án, đó là sự nỗ lực vươn lên của họ. Dự án đạt hiệu quả cao còn do việc xác định tính phù hợp của nó đối với điều kiện, đặc thù của địa phương và tác động từ yếu tố thị trường. Nhận thức sâu sắc và thực hiện đồng bộ các yếu tố đó sẽ giúp cho dự án thành công.
Qua hội nghị, Hội Nông dân huyện, xã và các hộ nông dân đều mong muốn sẽ có những chương trình, dự án, mô hình tương tự được triển khai đầu tư nhiều hơn nữa cho xã Lộc Hưng nói riêng và các xã khác trong huyện, góp phần thúc đẩy cho công cuộc xóa đói, giảm nghèo đạt kết quả cao nhất trong thời gian tới./.