Vài cảm nhận khi đến thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh
Sau gần năm năm, cuối tháng bảy vừa qua tôi mới có dịp trở lại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh để công tác với tràn đầy niềm phấn khích, háo hức sẽ được tận mắt chứng kiến những đổi thay của thành phố này sau chừng ấy năm, nhất là sau khi di tích quốc gia vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là di sản thiên nhiên thế giới và lại được Tổ chức New7Wonders bầu chọn là kỳ quan thiên nhiên thế giới mới.
Tôi nghĩ đến viễn cảnh sẽ được nhìn thấy một Hạ Long với một diện mạo mới, xinh đẹp, kiêu sa và đầy quyến rũ, hấp dẫn du khách. Thế nhưng, những gì thấy được lại chẳng như suy nghĩ. Tôi và mọi người được Ban tổ chức Hội nghị bố trí, sắp xếp ở một khách sạn nằm trên đường Hạ Long, một con đường được xem là đẹp nhất nhì của thành phố, nằm sát bờ biển. Con đường này luôn đông đúc, tấp nập xe cộ, người qua lại, nhất là buổi tối. Vì ở đây có trung tâm thương mại, du khách hầu như rất thích dừng chân, ghé thăm, mua sắm đồ lưu niệm. Các mặt hàng ở đây rất đa dạng, phong phú, giá cả hợp lý, nhất là các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ. Khách hàng có thề lựa chọn những món hàng phù hợp với sở thích và vừa với túi tiền của mình để làm quà cho gia đình và người thân.
Nhưng điều mà có lẽ du khách và người dân địa phương chắc chắn chưa hài lòng, đó là vấn đề ô nhiễm môi trường. Dọc theo đường Hạ Long phía bờ biển là một công viên rất đẹp và mát mẻ, có nhiều cây cảnh, ghế đá, bóng điện rất sáng. Tại khu vực mà trước đây là nơi xuống phà Bãi Cháy, nhiều hộ bán hàng rong đã tập trung buôn bán mỗi buổi chiều cho đến khuya. Chủ yếu người ta bán các loại nước giải khát và các món nhậu. Ở khu vực này, tôi thấy các hộ quét dọn rất sạch sẽ, sạch đến nỗi không có một chút rác nào dù nhỏ. Tôi hỏi một thanh niên đang cần mẫn dọn hàng và đang quét nước mưa đọng vũng xung quanh gian hàng của mình. Anh ta dùng chổi quét nước vào một cái xúc rác và đổ vào xô, sau đó đem đổ xuống biển. Anh ta chăm chỉ làm việc, quét cho đến khi trên nền gạch công viên khô không còn chút nước nào mới thôi. Các hộ khác cũng vậy. Anh thanh niên cho biết mỗi tháng phải nộp tiền cho phường khoảng một triệu đồng để được bán ở đây.
Ngoại trừ khu vực này sạch sẽ, còn lại ngược về phía cầu Bãi cháy, công viên ngập tràn rác. Từ ghế đá, gốc cây, bụi kiểng, chỗ nào cũng ngập ngụa trong rác, mà nhìn vào có thể đoán được có lẽ chúng đã nằm ở đây từ lâu lắm rồi. Một vài ghế đá bị gãy, nằm chỏng chơ mà chẳng có ai buồn dẹp đi. Có nhiều chỗ nền bị lún, đất sụp xuống, có thể gây nguy hiểm cho du khách khi đi ngang vào ban đêm. Tôi nghĩ hôm nay không có người dọn dẹp, chắc là ngày mai sẽ có. Vậy mà, ba buổi chiều liền tôi ra công viên xem thử thì thấy mọi thứ chẳng hề thay đổi, dù buổi sáng từ khách sạn nhìn xuống, tôi vẫn thấy bóng dáng vài người lao công quét rác. Có lẽ họ chỉ dọn ở nơi có thu tiền mà thôi.
Đi ngược lên phía trung tâm thương mại, mọi người phải đi ngang qua một bãi bồi lớn ven bờ. Khi gió biển thổi vào mang theo một mùi hôi khủng khiếp giống như mùi của kênh Nhiêu Lộc ở thành phố Hồ Chí Minh nhiều năm trước đây. Tôi thấy nhiều khách nước ngoài khi đi ngang qua đây đều bịt mũi, lắc đầu, cố đi nhanh hơn cho qua khỏi. Nhìn thấy rác ngập tràn, họ lắc đầu, nhún vai tỏ vẻ ngao ngán và khó chịu.
Tôi đã dùng máy ảnh du lịch của mình chụp lại những hình ảnh mà tôi đã chứng kiến. Tôi không khỏi chạnh lòng nghĩ rằng nếu cứ để tình trạng như vậy thì Hạ Long làm sao thu hút được khách du lịch đến với mình? Tôi mong chính quyền nơi đây sẽ quan tâm hơn nữa, có nhiều giải pháp thiết thực, hữu hiệu để khắc phục những tồn tại, bảo vệ tốt cảnh quan môi trường, để du khách khi đến với Hạ Long sẽ chẳng muốn rời xa, để khi trở về họ sẽ còn nhắc mãi về một Hạ Long xinh đẹp, mến khách và sạch sẽ, trong lành!